top of page

Nông nghiệp thuần tự nhiên có tốt hơn nông nghiệp hữu cơ thật sự hay không?

Chuyên mục "Hỏi Hay Đáp Ngay"

CÂU HỎI:

“Nông nghiệp thuần tự nhiên có tốt hơn nông nghiệp hữu cơ thật sự hay không?”


TRẢ LỜI:

Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần phải từng bước đi trên “con đường canh tác bền vững” để hiểu được từng khái niệm và mối liên hệ cũng như tiến hóa của chúng! Chúng mình đã có bài viết chi tiết về vấn đề này tại đây: https://www.baogiafarmcamping.com/blog?lang=vi

Hôm nay chúng ta sẽ cùng “PHÂN BIỆT CANH TÁC HỮU CƠ, CANH TÁC THUẬN TỰ NHIÊN”


1. Canh tác thuận tự nhiên (natural farming), câu chuyện từ đất nước Nhật Bản:

Masanobu fukuoka (1913 – 2008) là một nông dân và triết gia người Nhật đến từ đảo Shikoku. Ông là người đã đưa ra thuật ngữ “Nông nghiệp thuận tự nhiên”. Thực ra mô hình canh tác thuận tự nhiên đã có từ rất lâu trước khi ngài Fukuoka được biết đến vì nó chính là nông nghiệp truyền thống mà cha ông chúng ta đã thực hành và kế thừa qua nhiều thế hệ. Kỹ thuật làm nông tự nhiên không cần đến máy móc hay nhiên liệu hóa thạch, không cần tới hóa chất, chẳng cần ủ phân, và rất ít phải làm cỏ. Trong những ruộng lúa của mình, ông Fukuoka đã không cày đất hay giữ nước lại suốt vụ – như cách người nông dân vẫn làm từ hàng thế kỷ ở châu Á và trên khắp thế giới. Ấy vậy mà ông Fukuoka vẫn thu được sản lượng ngang bằng hoặc hơn so với hầu hết các nông trại có năng suất cao ở Nhật. Phương pháp của ông không gây ô nhiễm, và sự màu mỡ trên những cánh đồng của ông được cải thiện cùng với mỗi mùa trồng trọt. Gắn liền với ông là 02 quyển sách mà sau này được xem như là kim chỉ nam cho mô hình canh tác thuận thiên. Đầu tiên là quyển Cuộc cách mạng một-cọng-rơm: Giới thiệu về làm nông tự nhiên, quyển thứ hai là Gieo mầm trên sa mạc: ông Fukuoka trình bày triết lý của mình dưới dạng chi tiết và đưa ra kế hoạch sử dụng cách làm nông tự nhiên để tái lập thảm thực vật cho các sa mạc trên thế giới.

Nông nghiệp thuận tự nhiên theo ông Fukuoka là một nền nông nghiệp sinh thái, nó gợi ý về việc hạn chế cải tạo và can thiệp vào quá trình sinh trưởng và phát triển tự nhiên của thực vật. Chính vì thế nhiều người thường gọi vui đây là phương pháp thiền trong nông nghiệp.

Trên thực tế, muôn loài dựa vào sự liên kết với nhau để sinh trưởng và phát triển, chúng nuôi dưỡng nhưng cũng đồng thời khắc chế lẫn nhau và loại bỏ những thứ cần loại bỏ để duy trì sự sống trong tự nhiên. Trong những khu rừng trong tự nhiên cây cối và các loài vật vẫn phát triển mà không cần ai chăm sóc, cũng không cần đến các loại thuốc men hóa chất, trong khi quá trình trồng trọt chăn nuôi của con người lại đòi hỏi những điều đó.

Đây có thể xem là tập hợp những loại hình canh tác bền vững, tuyệt đối tôn trọng các quy luật vận hành của tạo hóa và dựa hoàn toàn vào thiên nhiên cũng như môi trường sống xung quanh để làm nông nghiệp. Mọi loại phân thuốc tổng hợp đều không được phép sử dụng, các kĩ thuật xen canh/luân canh được tận dụng để tăng độ màu mỡ cho đất và chống xói mòn. Đất đai luôn có đủ thời gian “nghỉ ngơi” sau mỗi vụ thu hoạch và nguyên lý “trả lại cho đất” luôn được áp dụng triệt để (chỉ lấy những gì chúng ta thực sự cần, còn lại tất cả phải trả về cho đất). Điểm nổi bật của canh tác thuận tự nhiên là hạn chế những tác động của con người (như bón phân, làm cỏ, tưới tiêu, cày xới…) đối với các quá trình tương tác của tự nhiên.

Hai đại diện tiêu biểu của canh tác thuận tự nhiên là:

a) Permaculture: mô hình canh tác này “bắt chước” sự vận hành của các hệ sinh thái trên Trái đất (đặc biệt là rừng), thiết kế vườn gồm nhiều tầng tán chú trọng đa dạng sinh học và tuân thủ chặt chẽ các điều kiện tự nhiên và địa lý của khu vực để biến khu vườn thành một hệ sinh thái thu nhỏ bền vững nằm trong tổng thể các hệ sinh thái to lớn hơn. Mô hình này có thể áp dụng cho các hộ nông dân nhỏ lẻ (không có diện tích đất canh tác lớn) và đặc biệt đề cao khía cạnh trí tuệ, đạo đức của nông nghiệp bền vững.

b) Agroforestry: mô hình canh tác xen kẽ với rừng, nương nhờ sự đa dạng và cân bằng sinh học sẵn có của rừng để kết hợp trồng cây/chăn nuôi, giúp đất đai thêm màu mỡ và chống xói mòn. Mô hình này được áp dụng rất thành công ở Châu Phi và Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, canh tác thuận tự nhiên có điểm yếu là không có tiêu chuẩn hay quy định khắt khe về hạ tầng như canh tác hữu cơ hoặc canh tác đa dạng sinh học. Khi môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm, canh tác thuận tự nhiên rất dễ bị nhiễm độc từ đất đai, nguồn nước, không khí…Nếu muốn tạo ra sản phẩm thực sự “sạch”, các chủ vườn bắt buộc phải thực hiện thanh lọc và cách ly hạ tầng nông nghiệp.

2. Canh tác hữu cơ (organic farming):

Đây cũng là mô hình canh tác bền vững nhưng khác biệt ở chỗ áp dụng triệt để những thành tựu của công nghệ sinh học và dựa trên những quy chuẩn hữu cơ (vd: USDA Organic, EU Organic, Organic JAS, Bio Suisse…) để kiểm soát quy trình canh tác/thu hoạch/bảo quản/xử lý/đóng gói cũng như các yếu tố hạ tầng như đất đai, nguồn nước, không khí, nhà xưởng, máy móc…

Thực ra từ “organic” trong tiếng Anh không có từ tương ứng trong tiếng Việt nên người ta hay dịch tạm là “hữu cơ”. Trong tiếng Anh, từ “organic” bắt nguồn từ chữ “organism” (sinh vật sống) và “organ” (các bộ phận chức năng của một cơ thể sống). Organic farming hiểu đơn giản là phương thức canh tác dựa trên các sinh vật sống để tạo ra sự cân bằng sinh học một cách bền vững.

Đặc điểm nổi bật của canh tác hữu cơ là các yếu tố đầu vào phải đạt chuẩn hữu cơ (thành phần 100% hữu cơ và được chấp nhận sử dụng), ví dụ: phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học ngăn sâu bọ, các loại kháng sinh từ thảo dược hỗ trợ cây trồng…Đặc điểm này khiến canh tác hữu cơ rất dễ bị nhầm với canh tác thuận tự nhiên. Canh tác hữu cơ vẫn có thể trồng chuyên canh một loại cây trên một diện tích lớn, không bắt buộc xen canh/luân canh như canh tác thuận tự nhiên, miễn sao đáp ứng các quy chuẩn hữu cơ là được. Chăn nuôi hữu cơ vẫn cho phép dùng các loại vacxin/kháng sinh trong danh mục quy định.

Mặc dù không bắt buộc nhưng nếu muốn tiết kiệm chi phí và công sức thì vườn canh tác hữu cơ vẫn phải áp dụng các nguyên lý tự nhiên như xen canh/luân canh, đa dạng cây trồng/vật nuôi, tuần hoàn chất dinh dưỡng…

Công nghệ phổ biến nhất trong canh tác hữu cơ hiện nay là EM (Effective Microorganism – vi sinh vật hoạt động), bắt nguồn từ giáo sư người Nhật có tên là Teruo Higa. Công nghệ này dựa vào việc bổ sung các EM có tác dụng chuyển hóa các hợp chất hữu cơ trong đất thành chất dinh dưỡng mà cây hấp thụ được. Theo giáo sư Higa, ước tính có khoảng 80 chủng EM tham gia tích cực vào quá trình này, chia làm 3 loại: EM xấu (tiêu cực), EM tốt (tích cực), và EM trung tính. Trong bất cứ môi trường nào (đất, nước, không khí, hệ tiêu hóa), tỉ lệ giữa EM xấu và EM tốt đóng vai trò then chốt quyết định sức khỏe của hệ sinh thái vì EM trung tính sẽ trở thành EM xấu hoặc EM tốt tùy thuộc vào các điều kiện của môi trường xung quanh chúng.

Mặc dù được áp dụng tại hơn 60 quốc gia, công nghệ EM vẫn tồn tại nhiều vấn đề mà nhà sản xuất cần phải lưu ý:

a) Các chủng EM khi đưa vào những hệ sinh thái nhất định sẽ tương tác với các chủng EM hiện hữu. Việc các “khách lạ” này sẽ làm biến đổi hệ sinh thái ra sao vẫn còn là một vấn đề mà khoa học hiện đại chưa lường hết được. Tuy nhiên, có một điều chúng ta biết chắc chắn là hệ sinh thái chỉ khỏe mạnh khi các EM phối hợp “nhuần nhuyễn” và “ăn ý” để đạt tới một trạng thái cân bằng bền vững.

b) Thực tế áp dụng cho thấy nhiều loại EM “lạ” khi đưa vào hệ sinh thái thường không tồn tại được lâu và bị “lép vế” rất nhanh. Do vậy, nhà sản xuất phải liên tục bổ sung EM để duy trì tác dụng lên cây trồng, dẫn đến chi phí tăng và phụ thuộc vào nguồn cung EM.

c) Đa số các loại phân vi sinh bán rộng rãi trên thị trường chỉ bổ sung các loại EM chuyển hóa các nguyên tố đa/trung lượng (N, P, K, C…) nhưng sự khác biệt về chất lượng sản phẩm lại chủ yếu đến từ việc chuyển hóa các nguyên tố vi lượng (hơn 100 nguyên tố). Nhà sx sử dụng công nghệ EM bắt buộc phải có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực hóa sinh để tiến hành các thí nghiệm chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

d) Khi sử dụng các loại phân vi sinh, nhà sx cần chú ý thành phần nguyên liệu ủ vì hoàn toàn có khả năng nguyên liệu bị nhiễm các tạp chất độc hại từ quá trình chăn nuôi công nghiệp hoặc canh tác hóa học.

Bên cạnh công nghệ EM, một công nghệ khác đang được phát triển thời gian gần đây là MS (viết tắt của Microbial Stimulation). Thay vì bổ sung các EM “lạ” bên ngoài vào hệ sinh thái, các loại phân bón đặc biệt có thành phần hữu cơ được đưa vào để kích thích môi trường xung quanh, từ đó hoán chuyển tỉ lệ EM tốt-xấu của cộng đồng hiện hữu và tạo ra các tác dụng tích cực lên cây trồng cũng như chất lượng sản phẩm. Điểm mạnh của công nghệ này là chi phí thấp và có thể áp dụng cải tạo mọi loại đất, dù “nghèo” cỡ nào cũng được. Vì vậy canh tác hữu cơ không nhất thiết phải ứng dụng EM và ngược lại thành phần phân bón chứa EM cũng chưa chắc 100% hữu cơ.

Hiện nay các quốc gia đi đầu trong công nghệ MS như Hoa Kỳ và Israel đang đầu tư nhiều tiền bạc và công sức để “học hỏi” từ hệ sinh thái của rừng nguyên sinh vốn được xem là cân bằng và bền vững nhất trên Trái Đất.

Nhiều nhà sx rất hay sử dụng cụm từ “hướng hữu cơ” trong quảng cáo hoặc trên bao bì sản phẩm. Thực ra canh tác hữu cơ hoàn toàn không tồn tại khái niệm này, mà chỉ có 2 trạng thái: (1) Đang chuyển đổi (tức là đang trong quá trình hoàn thiện và khắc phục để xin cấp chứng nhận); (2) Đạt chuẩn (vườn đã đạt quy chuẩn và được cấp chứng nhận cho diện tích canh tác hữu cơ cụ thể).

Trích nguồn: Jerry Do – Cộng đồng nông nghiệp minh bạch


Kết luận

Canh tác thuận tự nhiên, canh tác hữu cơ, hay những loại mô hình canh tác dựa trên sự phát triển tự nhiên, ưu tiên sự đa dạng sinh học và tận dụng những yếu tố tương quan tương hợp đều là những loại hình canh tác bền vững, thân thiện với môi trường và tạo ra những sản phẩm sạch. Tuy nhiên, chúng đều là những loại hình canh tác đòi hỏi chất xám và sự đam mê nghiên cứu tìm tòi của nhà sản xuất. Để không phải “nhầm lẫn” tự nhiên, hữu cơ, an toàn,... Người tiêu thụ nông sản cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để lựa chọn nạp vào cơ thể những nguồn thực phẩm đảm bảo sức khỏe của chúng ta cũng như góp phần trở thành lí do mạnh mẽ để các nhà sản xuất chú tâm đến việc canh tác tôn trọng tự nhiên, con người và hành tinh..Chỉ cần chịu khó quan sát, các bạn sẽ phân biệt được ngay các mô hình canh tác này và đẳng cấp cũng như trình độ của mỗi nhà sản xuất luôn thể hiện rất rõ qua chất lượng sản phẩm.

==============================

Mọi thông tin về chương trình xin liên hệ:

Hotline: 0908 404 477




16 views0 comments
bottom of page